Tin du lịch Ninh Bình

Đến Tràng An ngắm loài linh trưởng quý hiếm Voọc mông trắng

Cập nhật: 15/01/2021
Tràng An là một vùng non xanh, nước biếc, mây trời hoà quyện. Trải qua hàng triệu năm kiến tạo đã hình thành nên các thung lũng, hang động và hồ đầm đều là các kiệt tác của thiên nhiên. Trước những năm 90 của thế kỷ XX, Tràng An từng là nơi cư trú và sinh sống vô cùng thuận lợi của những cá thể Voọc mông trắng bởi nơi đây có hệ thống núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm và cũng là nơi bảo tồn, chứa đựng đa dạng các hệ sinh thái động thực vật. Tuy nhiên, theo thời gian và một số tác động ngoại cảnh, loài linh trưởng quý hiếm này đã bị xoá sổ khỏi nơi này. Việc tái thả Voọc mông trắng về với Tràng An sẽ từng bước khôi phục và bảo tồn loài này trong môi trường sống hoàn hảo và sẽ là điểm nhấn hấp dẫn du khách đến với Tràng An.

Voọc mông trắng là loài linh trưởng cỡ lớn thuộc họ Khỉ Cựu thế giới (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates). Đây là một trong năm loài linh trưởng quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và được ghi vào danh mục sách Đỏ của Việt Nam và thế giới.

Voọc mông trắng thích sống trong các khu rừng thứ sinh trên núi đá vôi hiểm trở. Chúng thường di chuyển và kiếm ăn theo đàn ở các sườn núi và thung lũng. Khi gặp nguy hiểm chúng thường núp sau các mỏm đá tai bèo để ẩn nấp và trú ẩn. Trên cơ thể của loài vooc này có 2 màu lông đen và trắng. Màu lông đen bị ngăn cách bởi một khoang trắng từ thắt lưng đến đùi, giống như đang mặc một chiếc quần đùi trắng. Phần lông trên đầu dựng đứng lên như một chiếc mào. Vùng lông ở má có màu trắng xám, mịn và dài hơn các loài Voọc Đông dương khác, trải rộng hai bên má, kéo dài lên phía trên vành tai. Đuôi của chúng có lông rậm và dài, lông đuôi mọc thẳng đứng.

Voọc mông trắng sống theo đơn vị gia đình đơn đực. Trong mỗi đàn sẽ có một con đực khỏe nhất đứng đầu có nhiệm vụ cảnh giới và bảo vệ đàn khi các thành viên trong đàn kiếm ăn, các con cái trong đàn làm nhiệm vụ sinh sản, một số con bán trưởng thành và con non. Mỗi thành viên trong đàn đều có một thứ hạng và nhiệm vụ nhất định. Lúc mới đẻ, lông của voọc con màu vàng sặc sỡ để thu hút sự chú ý của voọc mẹ và những thành viên khác trong đàn. Màu sắc của con non cũng sẽ dần thay đổi từ màu vàng sang màu đen như bố mẹ. Khoảng từ tháng thứ 5 trở đi, lông của voọc con sẽ có màu loang lổ giữ đen và vàng. Sự chuyển màu của bộ lông bắt đầu từ tay, chỏm đầu, dần tới đuôi, ống chân, vai, lưng rồi đến toàn bộ cơ thể. Đến khoảng tháng thứ 8 thì bộ lông có màu xám đen gần giống con trưởng thành. Sau khoảng 5 năm, một con voọc mới phát triển tới tuổi trưởng thành. Nó sẽ đi tìm những con cái ở các đàn khác để thành lập một đàn mới. Những nghiên cứu cho thấy, Voọc mông trắng rất thích ăn một số loài cây gắn với sinh cảnh núi đá vôi. Chồi non luôn là món ăn ưa thích nhất của chúng, sau đó là các loại hoa, quả, cành nôn và cả côn trùng. 

Sau một thời gian dài tưởng chừng như bị tuyệt chủng, Voọc mông trắng đã được bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Đến năm 2000, các chuyên gia của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Cúc Phương đã phát hiện được hơn 40 cá thể Voọc mông trắng ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Tính đến nay, ở Vân Long có khoảng hơn 200 cá thể Voọc mông trắng sinh sống (chiếm 70% tổng số Voọc mông trắng trên toàn thế thới). Nơi đây là ngôi nhà vô cùng an toàn cho loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm Voọc mông trắng. Tuy nhiên loài này vẫn có thể bị biến mất và có nguy cơ bị tuyệt chủng do một số ảnh hưởng như nguồn gen di truyền, bệnh dịch hoặc các tác động bên ngoài như môi trường sống, thiếu nguồn thức ăn tự nhiên, thay đổi môi trường sống… Do vậy việc thiết lập một quần thể thứ 2 là ưu tiên bảo tồn hàng đầu nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài và đảm bảo sự tồn tại lâu dài của chúng. Tháng 8 năm 2020, Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp cùng Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã chuyển giao thành công 3 cá thể Voọc mông trắng từ Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp tới Tràng An. Ba cá thể Voọc mông trắng được đưa tới núi Ngọc thuộc khu danh thắng Tràng An để hoà nhập vào môi trường nơi chúng đã từng phân bố ban đầu. Thời gian đầu, 3 chú Voọc được nuôi nhốt để thích nghi với điều kiện tự nhiên sống mới. Đến tháng 10 chúng được thả sống tự do trên núi Ngọc. Như vậy, trên hành chính tuyến 1 đi qua núi Ngọc, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những chú Voọc “mặc quần đùi trắng” đang sinh sống tại đây. Vị trí núi Ngọc cho phép du khách trên thuyền đi thăm Tràng An dễ dàng quan sát được loài linh trưởng quý hiếm này mà không tác động trực tiếp tới môi trường sống của các cá thể.

Việc tái thả Voọc mông trắng về Tràng An có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản. Điều này không chỉ góp phần làm giàu các giá trị của di sản, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và du khách về bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và các loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam và Thế giới.

Đến với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, du khách được tận mắt ngắm đàn Voọc mông trắng, loài linh trưởng quý hiếm được ghi trong sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Hiện nay, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đang tiếp tục phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương để khảo sát, nghiên cứu và bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam tại Di sản Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. 

Đến với Tràng An là đến với những giây phút thư giãn, hoà mình với mây trời non nước, là sự hồi hộp khi được tận mắt nhìn Voọc mông trắng xuất hiện để rồi thêm yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ động vật hoang dã hơn.

Nguồn: trangandanhthang.vn
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp