Lễ hội Tràng An

Cập nhật: 13/11/2020
Cứ vào ngày 18-3 âm lịch hàng năm, lễ hội Tràng An (Thánh Quý Minh Đại Vương) lại được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Lễ hội Tràng An (Đức thánh Quý Minh Đại Vương) là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của Ninh Bình, bởi nó diễn ra trong không gian của những thung nước trong xanh, những hang động lung linh kỳ ảo và giữa bốn bề núi non hùng vĩ…

Đức thánh Quý Minh Đại Vương, theo truyền thuyết dân gian, là một trong ba anh em - ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một "thượng đẳng thần”, được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi. 

Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong số rất nhiều những vị thần được thờ tụng theo tín ngưỡng dân gian. Suốt dọc chiều dài mảnh đất hình chữ S, nơi nào ta cũng thấy những ngôi đền, ngôi đình, ngôi phủ tôn thờ các vị thánh thần, thành hoàng được nhân dân ngưỡng vọng. Đó là một nét đẹp văn hóa, là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Bởi những vị thánh thần đó, dù họ là những nhân vật có thật - những vị thần nhân, hoặc là những thiên thần, đều là những người có công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Riêng ở Ninh Bình, Đức thánh được thờ tại đình làng Sinh Dược, xã Gia Sinh (Gia Viễn); ở núi Cánh Diều (thành phố Ninh Bình); ở núi Thiện Dưỡng, đền Kê Thượng, xã Ninh Vân (Hoa Lư) và ở đền Trần thuộc Khu du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính.

Vào ngày diễn ra lễ hội, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn chiếc thuyền đã quy tụ lại bến Tam Quan để chuẩn bị cho một lễ hội hoành tráng với những nghi lễ rước nước, tế lễ và phóng sinh trên sông... Và như là quy luật của tạo hoá, tại những lễ hội cổ truyền gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian, các hoạt động phần lễ bao giờ cũng mang nhiều yếu tố tâm linh và linh thiêng, đáp ứng nhu cầu của con người luôn hướng và tìm về nguồn cội, thể hiện rõ những ước muốn của con người thông qua các nghi lễ với đất trời, tổ tiên, với các thánh, thần để cầu mong một cuộc sống bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi…

Đúng 9h sáng, Lễ hội Tràng An bắt đầu. Sau hồi trống khai hội trên bờ và màn đánh trống trên đò vang lên là lúc đoàn rước hơn 100 người khiêng kiệu và rước bài vị tế Đức thánh Quý Minh Đại Vương cùng hàng nghìn du khách trên khoảng 1.000 chiếc đò bắt đầu vào cuộc rước tạo nên một không khí lễ hội vừa trang nghiêm, vừa sôi động. Xuất phát từ bến đò, đoàn rước sẽ vượt qua 5km đường thủy, xuyên qua 11 hang động trên dòng sông Sào Khê. Sau chừng một tiếng diễu hành trên mặt nước, đoàn rước sẽ được chia làm hai, một nửa tiếp tục hành trình dưới sông, nửa còn lại lên bờ vượt qua 3 quả núi với chiều dài khoảng 3km để đến đền Nội Lâm cử hành các nghi thức tế lễ…

Trong suốt hành trình rước kiệu tiến về đền Trần để tham dự lễ hội, du khách được thả mình vào không gian thiên nhiên, chiêm ngưỡng khung cảnh nên thơ, trữ tình với những thung nước trong xanh, những hang động lấp lánh ánh nước, ánh nhũ, thư thái ngắm nhìn từng đàn cá bơi lội tung tăng dưới những dải rêu xanh, những thảm thực vật đa màu sắc và hoà cùng âm vang của tiếng mái chèo khua nhẹ trên sông. Qua những hang động, thung nước mênh mông xanh biếc, đoàn thuyền dừng lại ở bến đò đền Trần. Lúc này, du khách sẽ tiếp tục hành trình bằng hình thức leo núi để đến khu vực đền Trần. Đường núi dốc, hẹp, lại đông người nhưng du khách sẽ cảm thấy vô cùng sảng khoái, nhẹ nhõm bởi khung cảnh nên thơ, trữ tình của Tràng An.

Đền Trần nằm uy nghi trên ngọn núi cao - nơi tôn thờ Đức thánh Quý Minh Đại Vương - từ lâu đã trở thành ngôi đền nổi tiếng linh thiêng khắp xa gần. Đền được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X với mong muốn mượn uy danh của Thánh để trấn trạch theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Ngôi đền cũ bằng gỗ do Đinh Tiên Hoàng đế xây dựng đã đổ nát và nhà Trần cho xây dựng lại bằng các cột đá rất nổi tiếng còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay và từ đó được nhân dân quen gọi là đền Trần vì được xây dựng lại từ thời nhà Trần. Đền Trần nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đền có 4 cột đá được trạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) hết sức độc đáo.

Tham gia lễ hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của Tràng An "Núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”, mà còn thấy hào hứng, thú vị bởi đường đi - lối về trong một hành trình tham gia lễ hội không hề lặp lại. Tất cả tạo cho du khách một nét tươi mới, khí thế, mê đắm như được lạc vào nơi “bồng lai tiên cảnh” để trân trọng, tự hào với quá khứ của cha ông và thêm yêu quý, giữ gìn những gì thiên nhiên ban tặng …

 Những ai đã tham gia Lễ hội Tràng An (Đức thánh Quý Minh Đại Vương) cũng như từng đến thăm Quần thể danh thắng Tràng An đều không thể quên một lễ hội truyền thống độc đáo, riêng biệt và không khỏi ngưỡng mộ trước vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất sinh vua sinh thánh này…

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Ninh Bình