Tổng cục Du lịch đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch để khắc phục khó khăn, phục hồi hoạt động trong tình hình mới

Cập nhật: 18/01/2021
– Năm 2020, du lịch Việt Nam gặp những bất lợi lớn do dịch Covid-19. Lượng khách quốc tế giảm 79,5% so với năm 2019, lượng khách nội địa giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch giảm 58,7%.

Năm 2021, dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, Tổng cục Du lịch đã xác định thị trường du lịch nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm nay, tạo động lực để phục hồi hoạt động ngành.

Liên kết là yếu tố quan trọng đảm bảo chương trình kích cầu du lịch thành công

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours phát biểu tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021 (Ảnh: TITC)

Tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc diễn ra vào ngày 12/1 vừa qua tại Cát Bà, các doanh nghiệp lữ hành đều nhất trí rằng liên kết là yếu tố quan trọng đảm bảo chương trình kích cầu được thành công. Theo ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, đây là sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý ở trung ương, cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, đơn vị vận chuyển cho đến công ty lữ hành, truyền thông báo chí, trong đó công ty lữ hành sẽ là trung tâm của sự liên kết. Cơ quan quản lý là đầu tàu, tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ cùng chung vai sát cánh đưa ra những cam kết về chất lượng, công khai mức giá, kết nối các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, hàng không; các doanh nghiệp lữ hành sẽ giữ vai trò trung gian, đưa những dịch vụ đó đến với du khách.

Bà Nguyễn Thị Lê Hương – Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, giai đoạn bình thường mới cần tập trung vào các chính sách kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần tập hợp lại và cùng nhau xây dựng các chương trình kích cầu, làm mới sản phẩm, cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ cho nhau. Chung tay triển khai các chương trình xúc tiến thị trường và kích cầu du lịch chung. Bà Hương cũng đề nghị các địa phương cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành để xây dựng sản phẩm có giá thành tốt, hấp dẫn du khách.

Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021 (Ảnh: TITC)

Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng thời điểm này cần chú trọng việc tăng cường xúc tiến các điểm đến du lịch nội địa, đa dạng hóa điểm đến, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp địa phương khai thác hiệu quả điểm đến địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển các sản phẩm du lịch địa phương mang tính đặc trưng, tạo sự khác biệt. Đồng thời tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành để tổ chức hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

Vai trò “nhạc trưởng” của Tổng cục Du lịch giúp liên kết và điều phối các hoạt động du lịch

Ngay khi đại dịch Covid-19 gây những ảnh hưởng bất lợi đến ngành du lịch, Tổng cục Du lịch đã chủ động xây dựng những kịch bản, đề xuất những giải pháp phù hợp với từng hoàn cảnh nhằm ứng phó với dịch bệnh, phục hồi hoạt động ngành.

Tổng cục Du lịch đã đề xuất Bộ VHTTDL tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giảm giá tiền điện cho các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, đặc biệt là các cơ sở lưu trú du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành được hỗ trợ giảm phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, hướng dẫn viên được giảm phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên đến ngày 30/6/2021.

Năm 2020, Tổng cục Du lịch cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tiêu biểu là hội nghị “Ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV” ngày 6/2; Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” ngày 21/5; Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” ngày 7/8…

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” ngày 7/8 tại Hà Nội (Ảnh: TITC)

Ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vào tháng 5 và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” vào tháng 9. Trong đó, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới để phát triển các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu khách du lịch. Tổng cục Du lịch có vai trò điều phối hoạt động của các liên minh kích cầu giữa các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, các hãng hàng không. Với hai đợt kích cầu đạt hiệu quả tốt, du lịch Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và từng bước phục hồi trở lại.

Đặc biệt Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 vào ngày 28/11 ở Quảng Nam để định hướng sự phát triển của ngành trong tình hình mới. Tại hội nghị, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã nhấn mạnh vai trò điều phối của Tổng cục Du lịch trong các chương trình liên minh, liên kết và triển khai hoạt động du lịch trên toàn quốc.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ VHTTDL diễn ra vào sáng ngày 8/1/2021, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã nhấn mạnh, kinh nghiệm có sự thành công của chương trình kích cầu du lịch là: (1) Đúng thời điểm, (2) Hợp sức, hợp lực, (3) Có thông điệp rõ ràng. Đây là những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian tới.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh (giữa) dự Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021 tại Cát Bà (Ảnh: TITC)

Việc đồng hành cũng các doanh nghiệp lữ hành tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc ngay đầu năm 2021 cũng thể hiện cam kết và quyết tâm của Tổng cục Du lịch luôn đồng hành cũng cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương để tăng cường liên kết, phối hợp, triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch.

Bước sang năm 2021, ngành du lịch vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh còn phức tạp trên thế giới, nguồn lực trong ngành bị giảm sút. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình vượt khó năm 2020 và quyết tâm phục hồi của toàn ngành, du lịch Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa làm động lực cho sự phục hồi, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách quốc tế khi Chính phủ cho phép. Tin tưởng rằng với quyết tâm hành động theo phương châm: “Liên kết, Hành động và Phát triển”, ngành Du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Nguồn: https://vietnamtourism.gov.vn/