Tin tức, sự kiện

Các tin tức du lịch mới nhất

Làm gì để ẩm thực trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam?

Cập nhật: 13/11/2020
Nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam không những thích thú với ẩm thực mà còn muốn tìm hiểu về lịch sử, quá trình nấu nướng món ăn đó.

Tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) 2019 khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26, Việt Nam đã được xướng tên trong 4 hạng mục của giải năm nay gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, và thành phố Hội An được trao tặng danh hiệu Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019.

Đáng chú ý, mặc dù được thế giới đánh giá cao từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được một giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới công nhận là "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019".



Cơm cháy - Đặc sản ẩm thực Ninh Bình

Du lịch ẩm thực - xu hướng được du khách quan tâm

Du lịch ẩm thực là cách để du khách hòa mình vào nền văn hóa của điểm đến, là xu hướng ngày càng được nhiều du khách quan tâm. Nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem… được đánh giá là những món ngon nổi tiếng thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam.

Nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam không những thích thú với ẩm thực mà còn muốn tìm hiểu về lịch sử, quá trình nấu nướng món ăn đó.

Theo báo cáo về du lịch ẩm thực của Tổ chức du lịch thế giới, trung bình 1/3 ngân sách của du khách được dành cho ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam có tiếng với rất nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt ẩm thực đường phố là một trong những lý do thu hút họ đến Việt Nam.

Hiện nay, có 2 tour ẩm thực mà khách nước ngoài rất quan tâm khi đến Việt Nam là tour thưởng thức ẩm thực đường phố và tour đi chợ, tham gia lớp học nấu ăn và thưởng thức đồ ăn do chính mình làm.

Hướng dẫn viên Thế Anh (Hà Nội) cho biết: "Có những du khách tới Hà Nội chỉ để thưởng thức ẩm thực đường phố. Họ sẽ được đưa đi quanh phố cổ Hà Nội và thưởng thức các món ăn như nộm bò khô, bún chả, bánh cuốn, sau đó tráng miệng cà phê trứng. Họ rất hào hứng và chưa có du khách nào thất vọng về tour này".

Với mô hình tour học nấu ăn, du khách sẽ được đưa tới chợ để khám phá nét văn hóa đi chợ buổi sáng, được trải nghiệm cuộc sống trong những ngôi nhà của người bản địa, nghệ nhân ẩm thực sẽ dạy họ cách chế biến các món ăn truyền thống của Việt Nam như nem rán, bún bò, nộm... sau đó khách sẽ được thưởng thức món ăn do chính tay mình vừa làm.

Ông bà Michael - cặp vợ chồng người Pháp chia sẻ, họ có chuyến du lịch Việt Nam 2 tuần, muốn đi để trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống mà trước kia họ chỉ nhìn thấy trên sách báo. Bên cạnh mong muốn thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Việt Nam, họ còn muốn học cách làm, tự tay chế biến những món ăn đó.

Là người gắn bó cả đời với ẩm thực, nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) luôn tâm huyết với việc lan tỏa bếp Việt và hồn Việt tới nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế.

“Những người hoạt động trong ngành ẩm thực như tôi rất tâm huyết với việc đưa ẩm thực Việt Nam trở thành một thương hiệu mạnh và vươn ra thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã làm được. Ẩm thực Việt Nam vừa tinh tế, tốt cho sức khỏe lại vừa được lòng nhiều du khách quốc tế. Các gia vị phong phú là nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam, không chỉ tạo hương vị cho món ăn mà còn có tác dụng như những phương thuốc hữu hiệu. Vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực để phổ biến bếp Việt, làm nổi bật hồn Việt ở nhiều nhà hàng, khách sạn, để thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Việt Nam", nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.

Đưa ẩm thực trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, cần coi du lịch ẩm thực là một loại hình du lịch độc lập và có những chiến lược phát triển cụ thể.

Nếu chỉ có sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, hệ thống nhà hàng thì chưa đủ mà còn cần cả sự quản trị của nhà nước và chính quyền địa phương cùng nhiều lĩnh vực khác.

Theo ông Nguyễn Thường Quân- Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam, để ẩm thực trở thành sản phẩm nổi bật của du lịch Việt Nam, cần có phương án bảo tồn, gìn giữ để nâng ẩm thực lên tầm di sản của quốc gia; Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng các sản phẩm ẩm thực du lịch phong phú, hấp dẫn, có tính thống nhất, bền vững, mang đậm chất văn hoá của ẩm thực tại các vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam; Ưu tiên các nhà hàng, đầu bếp đang kinh doanh, phục vụ khách du lịch, chú trọng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; Cần đẩy mạnh truyền thông để quảng bá thương hiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới, đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch ở nước ta.

Nguồn: Vov.vn/dulichvn.org.vn; Ảnh: Xuân Lâm
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp