Tin nổi bật

Đại hội XIII của Đảng: Du lịch Ninh Bình hướng tới phát triển theo chiều sâu

Cập nhật: 25/01/2021
Với những thế mạnh, tiềm năng về du lịch, cùng với việc ban hành những nghị quyết đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình, Kế hoạch phát triển du lịch của UBND tỉnh, du lịch tỉnh Ninh Bình có sự phát triển rõ nét, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về nội dung này.

 

Mùa vàng Tam Cốc - Ảnh: Xuân Lâm

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh Ninh Bình?

- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà: Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90 km về phía Nam, diện tích tự nhiên 1.386 km2, dân số trên 982.000 người. Là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên rất có giá trị. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khách du lịch, nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, vườn chim Thung Nham, Thung Nắng, động Thiên Hà, biển Kim Sơn, các suối nước khoáng nóng…

Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh đẹp, Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.821 di tích lịch sử đã được xếp hạng. Nơi đây là mảnh đất địa linh, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam tồn tại 42 năm (từ năm 968-1010) gắn liền với ba vương triều: Ðinh, tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Hiện Ninh Bình sở hữu những di sản văn hóa - lịch sử rất có giá trị, là nguồn tài sản vô giá, tiêu biểu như: Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, đền thờ Đức Thánh Nguyễn...

Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa, Ninh Bình còn nhiều những giá trị phi vật thể nổi tiếng có giá trị phát triển du lịch, như các lễ hội, văn hóa ẩm thực và các làng nghề truyền thống… Đặc biệt lợi thế lớn nhất là Quần thể danh thắng Tràng An đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Ninh Bình có hệ thống giao đường bộ, đường sắt tương đối đồng bộ kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh và liên vùng tạo nên nhiều tour, tuyến du lịch liên hoàn, khép kín. Hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh đã có gần 700 cơ sở lưu trú và hàng nghìn cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô, chất lượng khá tốt phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, mua sắm của khách du lịch. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đã được tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng làm du lịch, văn hóa ứng xử và văn minh du lịch, đến nay có gần 21.500 người lao động trong ngành Du lịch.

Chính nhờ những lợi thế này, Ninh Bình có thể tổ chức được rất nhiều loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa - lịch sử; Du lịch lễ hội - tâm linh; Du lịch sinh thái - leo núi - du lịch làng nghề; Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; Du lịch khám phá, du lịch thể thao (golf), du lịch hội nghị, hội thảo…

Xác định được những lợi thế đó, tỉnh Ninh Bình đã tích cực đầu tư, phát triển du lịch toàn diện. Cùng với việc ban hành các cơ chế quản lý, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các sản phẩm du lịch đang được quan tâm mở rộng theo hướng đa dạng. Các khu, điểm du lịch được nâng lên về chất lượng. Hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn đang dần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; các điểm vui chơi, giải trí đang được quan tâm đầu tư mở rộng. Lượng khách đến với Ninh Bình ngày một tăng. Thu nhập của người dân từ các hoạt động liên quan đến du lịch cũng được cải thiện đáng kể so với trước… Hiện nay, du lịch đã dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Phóng viên: Đồng chí cho biết, tỉnh Ninh Bình có những giải pháp gì để phát triển du lịch lâu dài, bền vững?

- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà: Tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2015-2020 đạt 5,96%/năm, riêng khách quốc tế đạt 11,4%/năm. Doanh thu du lịch tăng 27,2%/năm. Riêng năm 2019, lượng khách đến Ninh Bình đạt trên 7,65 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.600 tỷ đồng. Năm 2020, do dịch COVID-19, lượng khách du lịch giảm nhưng Ninh Bình vẫn đón được gần 3 triệu lượt khách. Du lịch phát triển đã góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, nhất là khu vực nông thôn, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch là một trong ba khâu đột phá chiến lược và một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chủ trương của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch quốc gia và khu vực, với những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao mang dấu ấn, đặc trưng riêng của vùng đất cố đô Hoa Lư. Du lịch phải thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã thông qua mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, số khách du lịch đạt 8 đến 9 triệu lượt người; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững đòi hỏi những giải pháp tổng thể và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương. Thời gian qua, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển khá nhanh, từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc phát triển mới chủ yếu theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu. Để xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Ninh Bình tập trung thực hiện một số giải pháp như: 

Một là, xây dựng chiến lược tổng thể, dài hạn về phát triển sản phẩm dịch vụ gắn với thị trường, định hướng phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh; làm tốt công tác quy hoạch, triển khai các kế hoạch, dự án phát triển du lịch một cách bài bản, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ninh Bình đã xây dựng và thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo tuân thủ nghiêm minh các quy hoạch đã được phê duyệt. Nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, quy hoạch chung, kế hoạch quản lý di sản cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật.

Hai là, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu lớn đầu tư các khu dịch vụ du lịch, các trung tâm mua sắm, giải trí, sản xuất các hàng thủ công, mỹ nghệ có chất lượng cao theo hình thức công - tư. Trước mắt, tỉnh tập trung triển khai thực hiện thành công một số dự án du lịch lớn, có tính chất đột phá như dự án Công viên Văn hóa Tràng An, dự án Khu Du lịch Kênh Gà - Vân Trình và các dự án du lịch du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn.

Cố đô Hoa Lư - Ảnh: Xuân Lâm

Ba là, tập trung công tác chuyển đổi số ngành Du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã xác định chuyển đổi số là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Do đó, ngành Du lịch cần đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhất là trong việc tuyên truyền quảng bá, marketing du lịch, thuyết minh giới thiệu cho khách du lịch bằng cả âm thanh, hình ảnh thực tế ảo thông qua các ứng dụng du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số tốt sẽ giúp cho ngành Du lịch chuẩn bị tốt các điều kiện về công nghệ, khả năng thích ứng với những thách thức, khả năng cạnh tranh với các điểm đến khác trong tương lai, đồng thời có thể tiếp cận được các thị trường khách quốc tế lớn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đổi mới hình thức xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch: Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư với xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình. 

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về du lịch. Tỉnh chú trọng công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển du lịch. Tỉnh sớm nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án, chương trình tổng thể, bảo tồn, khai thác các giá trị di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và di sản văn hóa khảo cổ học tiền sử để phát triển các sản phẩm du lịch mang dấu ấn và đặc trưng riêng của du lịch Ninh Bình.

Năm là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhất là kỹ năng quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch cho cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý các doanh nghiệp. Tỉnh thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng cho nhân dân, nhất là nhân dân tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh về văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh du lịch, văn hóa du lịch và ý thức gìn giữ môi trường, cảnh quan du lịch và bảo vệ Di sản.

- Phóng viên: Giải pháp liên kết phát triển du lịch bền vững như thế nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà: Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đặc biệt là trong thời đại hội nhập kinh tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mỗi địa phương, mỗi một điểm đến phải đặt mình trong không gian bối cảnh phát triển chung của vùng và cả nước để có chiến lược phát triển sản phẩm, loại hình du lịch. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của liên kết ngành, địa phương trong tỉnh và liên kết với các tỉnh, thành trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo ngành Du lịch triển khai, thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiên kết phát triển du lịch giữa các ngành, địa phương trong tỉnh và với các tỉnh thành trong cả nước để hình thành các tuyến, điểm du lịch liên tỉnh, liên vùng, cụ thể:

Thứ nhất, là thực hiện liên kết hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, địa phương trong tỉnh, vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, coi đây là một giải pháp quan trọng hàng đầu để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Các ngành, các cấp cần phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ, từ khâu hoạch định chiến lược, xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực như văn hóa, nông nghiệp, dịch vụ, cần coi du lịch như là nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững. Chẳng hạn trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp, các ngành, địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển du lịch và ngược lại phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề phải gắn với phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.

Thứ hai, tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các hình thức như: tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, tham gia các hội trợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm du lịch, hỗ trợ các đoàn làm phim đến thực hiện phim giới thiệu du lịch tại địa phương. Công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh đến các thị trường lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Lâm Đồng, các tỉnh Bắc Trung Bộ; Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên...

Thứ ba, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học mời các địa phương, các vùng du lịch trọng điểm tham gia nhằm tăng cường công tác liên kết phát triển các sản phẩm thế mạnh của các địa phương. Liên kết với các địa phương có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗ trợ quảng bá xúc tiến hình ảnh di sản thông qua các hoạt động như tuyên truyền trên website, đặt banner quảng bá, cập nhật các tin bài về di sản, giới thiệu các ấn phẩm du lịch…

Thứ tư, liên kết tổ chức các khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Thứ năm, liên kết với các địa phương và các công ty du lịch, lữ hành xây dựng, phát triển các tour, tuyến sản phẩm du lịch liên vùng và các sự kiện quảng bá du lịch như: tuyến du lịch chùa Bái Đính về đêm, các tuyến du lịch văn hóa tâm linh kết hợp du lịch biển Bắc Trung Bộ, các tuyến du lịch lễ hội tiêu biểu, tuyến du lịch hành trình qua các kinh đô cổ. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo ngành Du lịch liên kết với các hãng lữ hành và các địa phương tổ chức các sự kiện du lịch, tiêu biểu như Tuần du lịch sắc vàng Tam Cốc - Tràng An. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo ngành Du lịch phối hợp với các tỉnh trong vùng xây dựng tour con đường hành hương kết nối di sản, bắt đầu từ Quần thể Danh thắng Tràng An - Cố đô Hoa Lư - Động Am Tiên - Khu Tâm linh núi chùa Bái Đính - Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) - Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Hương (Hà Nội), có chiều dài gần 100 km.

Liên kết, hợp tác là giải pháp quan trọng hàng đầu đối với ngành Du lịch. Trước hết đó là liên kết giữa các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sản phẩm dịch vụ du lịch được tạo nên bởi nhiều ngành lĩnh vực từ giao thông, thương mại, nông nghiệp đến y tế, văn hóa, giáo dục… Tương tự như vậy, ở phạm vi rộng hơn, quốc gia hay khu vực, liên kết giữa các ngành và các tỉnh, thành phố trong cả nước, giữa các nước trong cùng khu vực để cùng nhau quảng bá, xây dựng thương hiệu và thu hút khách du lịch đến với mình bằng những sản phẩm vừa mang tính đặc thù, vừa không trùng lặp. Như vậy, liên kết là một nhu cầu nội sinh của ngành Du lịch, đồng thời là yêu cầu, giải pháp quan trọng giúp ngành phát triển một cách bền vững, hiệu quả trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: baoninhbinh.org.vn
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp