Tin nổi bật

Ninh Bình tập trung khai thác "mỏ vàng" du lịch MICE

Cập nhật: 28/04/2021
Trong bối cảnh ngành du lịch vẫn đang "chông chênh" do tác động của dịch COVID-19, giải pháp kích cầu du lịch nội địa được xem là cứu cánh cho ngành du lịch. Song với những lợi thế về địa hình và cảnh quan của mình, ngành du lịch Ninh Bình đang xác định tập trung khai thác "mỏ vàng" loại hình du lịch MICE- du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm du lịch tại Diễn đàn du lịch nội địa được tổ chức vào ngày 15/4/2021 tại Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn

Vừa qua, tại Diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, doanh thu từ loại hình du lịch MICE mang lại giá trị cao gấp 6 lần doanh thu từ các loại hình du lịch khác, khách tham gia du lịch MICE thường có thời gian lưu trú dài gấp 3 - 4 lần khách du lịch bình thường và chi phí ở mức cao. 

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, khi các lĩnh vực kinh tế được phục hồi, thì du lịch MICE là một trong những loại hình phát triển nhất, bởi các công ty, đơn vị sau thời gian dài không hoạt động được do dịch COVID-19 sẽ có nhu cầu gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư. 

Phát huy thế mạnh của mình, Ninh Bình đang từng bước hình thành các sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường nội địa như: du lịch lịch sử - văn hóa, tâm linh, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng... tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, hình thành nên các loại hình và các sản phẩm du lịch mới để thu hút và giữ chân du khách khi đến với Ninh Bình như du lịch giải trí, du lịch di sản, thể thao, đặc biệt là loại hình du lịch MICE...  

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, giao thông của ngành du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn tỉnh có 689 cơ sở lưu trú với gần 8.000 phòng ngủ, trong đó có 60 khách sạn đạt từ 1-4 sao. Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Du lịch cũng đã thực hiện 6 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa. các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai 36 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với tổng mức đầu tư 16.212 tỷ đồng. 

Nhiều dự án đi vào hoạt động phục vụ khách có hiệu quả, tiêu biểu như: Emeralda resort, khách sạn Ninh Bình Legend, khách sạn Hoàng Sơn Peace, khách sạn The Reed, khách sạn Hidden Charm, khách sạn Bái Đính...; các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm như: Sân golf Hoàng Gia, sân golf Tràng An...; nhiều khu, điểm du lịch lớn đã cơ bản hoàn thiện đi vào hoạt động phục vụ một lượng lớn khách đến Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, điểm du lịch Vườn chim Thung Nham, điểm du lịch Hang Múa, điểm du lịch động Thiên Hà... 

Đánh giá đúng vị trí của loại hình du lịch này, thời gian qua Khách sạn Hoàng Sơn đã không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các phòng họp, nhà hàng đủ để phục vụ những hội nghị lớn hàng trăm người. 

Ông Hoàng Văn Thành, giám đốc điều hành khách sạn Hoàng Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay khách sạn Hoàng Sơn đón hàng ngàn lượt khách/tháng, có những đoàn khách lên đến hơn 100 người. Trong đó chủ yếu là các đoàn khách tỉnh ngoài tổ chức du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, học tập thực tế... Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng loại hình du lịch này, khách sạn Hoàng Sơn đã có sự tổ chức sắp xếp lại cơ cấu lao động, tổ chức tiệc và các tour sao cho phù hợp. Đồng thời tăng cường liên hết với các công ty du lịch ngoài tỉnh để đón khách MICE về với Ninh Bình. 

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch MICE của Ninh Bình trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, Ông Tống Anh Đệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho rằng: Du lịch MICE ở Ninh Bình không mới nhưng chúng ta chưa khai thác và phát triển một cách đúng mức, có sự định hướng của cơ quan chuyên môn. Sự hợp tác với CLB du lịch MICE sẽ giúp Ninh Bình khai thác tối đa lợi thế của mình để đưa du lịch MICE trở thành "mỏ vàng" để phục hồi ngành du lịch. 

Để loại hình du lịch MICE thực sự trở thành thế mạnh của du lịch Ninh Bình, mới đây nhất Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đã ký kết hợp tác thỏa thuận với Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam. 

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ nhiệm CLB cho biết: Chúng tôi nhận thấy những tiềm năng to lớn của tỉnh Ninh Bình trong việc phát triển loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện. Do vậy mong muốn của chúng tôi là các bên liên quan cùng phối hợp trong công tác nghiên cứu phát triển thị trường du lịch cho Ninh Bình. Tập trung đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Ninh Bình để phục vụ cho khách du lịch nội địa và từng thị trường khách trọng điểm. Từng bước khai thác có hiệu quả các giá trị độc đáo của tài nguyên du lịch Ninh Bình, góp phần tăng nhanh lượng khách du lịch nói riêng và khách du lịch MICE đến vùng này nói chung. 

CLB du lịch MICE cũng cam kết hỗ trợ Ninh Bình trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các chương trình du lịch mới góp phần tăng nhanh lượng khách du lịch MICE đến Ninh Bình. Đồng thời, tôn trọng pháp luật và thực hiện đúng những quy định do chính quyền địa phương ban hành; Tôn trọng cộng đồng địa phương và sử dụng tối đa nguồn nhân lực bản địa.

Ông Tống Anh Đệ cũng cho rằng: Thời gian tới đây các doanh nghiệp cần tích cực cung cấp các thông tin mới nhất về các chính sách du lịch, các điểm đến, các chương trình du lịch mới, các hình ảnh du lịch của Ninh Bình cho CLB du lịch MICE Việt Nam. Tích cực kêu gọi các doanh nghiệp hội viên hỗ trợ tối đa cho các đoàn khách của CLB du lịch MICE Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Loại hình du lịch MICE đang được xem là tiềm năng và là cơ hội lớn để giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thoát khỏi khó khăn, phục hồi thị trường du lịch nội địa. Song rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tạo nên những chính sách đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó các doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư bài bản hơn cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu của loại hình du lịch tiềm năng này. 

Nguồn: baoninhbinh.org.vn
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 5/5 từ 1 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp